Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 2/2018 và tỉnh đang tích cực triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư để khởi công trong quý III/2018, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2020.
Theo đó, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ đầu tư theo hình thức BOT với các thông số kỹ thuật gồm: chiều dài tuyến 80,2km, với 4 làn xe, đi qua 5 huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái. Tốc độ thiết kế là 100km/h, thời gian thu phí 20 năm theo hình thức thu kín trên cao tốc. Điểm đầu của tuyến cao tốc tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) và điểm cuối tại Km150+339 (giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối dự án cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái). Cao tốc này kết nối các tỉnh ven biển và các tỉnh miền núi phía Bắc với các khu kinh tế, khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng,… trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trước những thông tin mà một số cơ quan báo chí đã nêu gần đây về tổng vốn đầu tư dự án là 16.000 tỷ đồng, ông Hợp thông tin chính thức về tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là 11.195 tỷ đồng theo Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 09/02/2018.
Trước đó, vào ngày 20/7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định số 2787/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), tổng mức giải phóng mặt bằng là 1.454 tỷ đồng.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, kiểm đếm, tổ chức bảo vệ mặt bằng thi công dự án; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 01/2018 đã được Bộ TN&MT phê duyệt, tháng 02/2018 tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến đến hết quý II/2018 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và khởi công cao tốc vào đầu quý III/2018.
“Về mục đích kinh tế – xã hội thì rất rõ, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trục tam giác kinh tế năng động phía Bắc Việt Nam với thị trường lớn Trung Quốc và các nước trong vùng Đông Nam Á. Vân Đồn là 1 trong 3 địa phương của toàn quốc đang trong hành trình xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt; với Cảng hàng không quốc tế, một khu du lịch biển đảo vịnh Bái Tử Long một phần của Di sản thế giới vịnh Hạ Long…”, ông Vũ văn Hợp cho hay.
Cũng tại cuộc họp này, người phát ngôn của UBND tỉnh cũng đã cung cấp thêm một số thông tin về 02 dự án giao thông trọng điểm khác là Dự án đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả và Dự án đường hầm qua sông cửa Lục. Hai dự án này đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công trong năm 2019.
Nhờ những công trình này mà các cửa ngõ giao thông quan trọng để Quảng Ninh kết nối với quốc tế đều đã được mở. Và các dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Quảng Ninh sẽ lên đến con số hàng tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã từng khẳng định, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể làm được. Cũng chính vì thế, khi mà Trung ương tính toán vay vốn ODA để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì Quảng Ninh đã chủ động xin ý kiến để tỉnh tự huy động nguồn vốn và đã được Chính phủ chấp thuận.
Cùng với các tuyến cao tốc khác đang được triển khai như Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, trên địa bàn tỉnh sẽ có 182 km đường cao tốc, hình thành hệ thống cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái và kết nối với cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai, góp phần phát triển kinh tế khu vực Bắc bộ, các tỉnh mà tuyến cao tốc đi qua, phát triển giao thương quốc tế qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phát huy vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc.
Thanh Sơn – Thu Lê